Hứa hẹn cuộc đua mới

Hoạt động M&A (mua bán, chuyển nhượng), đầu tư dự án mới tiếp tục có nhiều chiều hướng tích cực. Sự phục hồi của thị trường, cùng với nhiều chính sách mới thông thoáng hơn, hứa hẹn thị trường địa ốc đang trên đà phục hồi tốt.

Nội nhanh chân, ngoại ồ ạt trở lại

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận định hoạt động M&A, hợp tác đầu tư phát triển dự án BĐS đang diễn ra sôi động giữa các doanh nghiệp, trong đó nổi bật vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp trong nước, đang dần dần hình thành những tập đoàn BĐS lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng, như Novaland,  SSG, Bitexco, Him Lam, TNR Holdings, Hưng Thịnh, Phúc Khang...

Hiện nay, TPHCM có 1407 dự án phát triển BĐS, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Đây cũng là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới.

Thông qua hoạt động M&A, các doanh nghiệp đã tự giải quyết một phần quan trọng hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường BĐS. Theo đó, lượng hàng tồn kho trên thị trường TPHCM của 36 dự án năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua đã bán được 8.501 căn, giảm 58,67 %.

Cụ thể, từ năm 2013 và năm 2014, giữa lúc thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đủ sức triển khai dự án, Novaland đã âm thầm mua lại hầu hết dự án có vị trí đắc địa của các đại gia một thời như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Hưng Phú. Hiện Novaland đang triển khai rầm rộ các dự án trên địa bàn nhiều quận, huyện của TPHCM.

Được biết, hiện quỹ đất của tập đoàn đủ để phát triển các dự án trong 5 năm tới. Tuy nhiên, Novaland vẫn tiếp tục tìm kiếm các dự án tốt để mua lại, tạo thêm quỹ đất mới. Một đại gia địa ốc khác là Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã gặt hái khá nhiều thành công nhờ mua lại hàng loạt dự án.


Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, chỉ tính trong 2 năm qua, công ty đã mua lại hoặc hợp tác đầu tư hàng chục dự án BĐS. Gần đây nhất là đã mua lại 2 dự án tại quận 7 của Công ty Đức Khải và một dự án khác tại Vũng Tàu, các dự án này đều đang được khởi công. Một tên tuổi khác trong làng địa ốc mua nhiều dự án đón đầu thị trường nữa là Đất Xanh.

Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, đến thời điểm này Đất Xanh đang có quỹ đất hàng chục ha để thực hiện liên tục trong nhiều năm tới.

Hiện tại thị trường BĐS đứng thứ 3 trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2015. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến dòng vốn ngoại, đặc biệt là dòng vốn từ châu Á đổ mạnh trở lại.

Cụ thể, Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với Quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank và 2 công ty Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad của Nhật Bản. Theo đó, 2 công ty trên đã mua lại 50% dự án Flora Anh Đào với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng.

Hoặc Công ty An Gia hợp tác với quỹ đầu tư CREED Nhật Bản với tổng mức 200 triệu USD; quỹ đầu tư Vinacapital tiếp tục mở rộng đầu tư vào BĐS. Hoặc mới đây, Gamuda Land thuộc Tập đoàn Gamuda (Malaysia) cũng đã quyết định chi ra hơn 1.400 tỷ đồng mua lại toàn bộ cổ phần của Sacomreal và Thành Thành Công trong dự án Celadon City có quy mô 82ha tại quận Tân Phú.

Thiếu nhà giá rẻ

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết giao dịch BĐS tại TPHCM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, với khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014. Giá chào bán tăng nhẹ ở thị trường thứ cấp từ 3-5%.

Cụ thể tại các quận 2, 9, Thủ Đức, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Nhà Bè có nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường nhà biệt thự, nhà liền kề; các quận 2, 4, 6, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân... có nguồn cung lớn trong phân khúc thị trường căn hộ chung cư; các quận 9, 12 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn có nguồn cung lớn đất nền nhà.

Trên địa bàn TP cũng đã xuất hiện loại hình đầu tư kinh doanh BĐS của các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ phân các lô đất có diện tích khoảng 40-50m2 trong các khu vực quy hoạch dân cư, được cấp phép xây dựng nhà ở và được cấp sổ đỏ để bán cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Ghi nhận của phóng viên, tại nhiều dự án chung cư có giá bán giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn đều có tính thanh khoản khá tốt.

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết thời gian qua công ty phân phối nhiều dự án thuộc phân khúc này như Hưng Ngân Garden, IDICo Tân Phú… đều có tính thanh khoản rất tốt. Thậm chí nhiều căn hộ có vị trí đẹp đã có hiện tượng mua đi bán lại nhiều lần để hưởng chênh lệch giá.

Dự án IDICo Tân Phú giai đoạn 1 với số lượng 418 căn hộ sau một thời gian ngắn đưa ra thị trường đã được bán hết. Hiện nay Hoàng Anh Sài Gòn tiếp tục đưa 323 căn còn lại của dự án để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cùng phân khúc này còn có các dự án khác như chung cư Depot Metro (Thủ Đức), chung cư Linh Trung, dự án 12view (quận 12)… đều có tính thanh khoản rất tốt.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh land, cho biết nhu cầu phân khúc này hiện nay cung vẫn không đủ cầu. Tuy nhiên nếu như các chính sách hỗ trợ người mua nhà như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, các thủ tục được đơn giản hơn, tạo thuận lợi hơn cho người vay mua nhà… chắc chắn tính thanh khoản phân khúc này sẽ tăng lên nhiều hơn. Ngoài ra phân khúc đất nền sổ đỏ diện tích trên dưới 100m2/nền tại các quận, huyện vùng ven cũng là một phân khúc đáp ứng rất tốt của người có nhu cầu về nhà ở.

Theo Sài Gòn Đầu tư
^ Quay lại đầu trang