10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2011


Thị trường bất động sản năm 2011 tiếp tục trầm lắng. Nhưng không lặng lẽ như năm 2010, trong năm đã diễn ra những sự kiện đáng chú ý, thậm chí gây sốc cho thị trường.

Chuẩn bị bước qua năm 2012, DiaOcOnline xin giới thiệu một số sự kiện đáng chú ý trong năm 2011 liên quan đến thị trường bất động sản với hi vọng năm mới, sẽ có nhiều tín hiệu mới, vui hơn với thị trường này.

1. Bán tháo căn hộ

Cuối tháng 10-2011, mọi người quan tâm đến thị trường bất động sản chứng kiến sự kiện chưa từng diễn ra: Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí, chủ đầu tư dự án chung cư Petro Vietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) “đại hạ giá căn hộ” từ 21,36 triệu đồng/m2 xuống 15,5 triệu đồng/m2. Lý do được chủ đầu tư này đưa ra là do áp lực phải trả nợ đến hạn 100 tỷ đồng với một ngân hàng cổ phần và chấp nhận lỗ 70 tỷ đồng cho 85 căn hộ, với mức giá bán giảm như trên. So với giá rao bán ban đầu, giá bán tháo đã giảm 35%.

Đầu tháng 11-2011, thị trường chứng kiến thêm một cú sốc khác. Công ty Sài Gòn Mekong đưa ra bán 500 căn hộ tại dự án An Tiến tại (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) với giá giảm từ 18 triệu đồng/m2 xuống còn 14,5 triệu đồng/m2, tương đương giảm 20%.

Nhiều người cho rằng sẽ có làn sóng bán tháo căn hộ tiếp theo khi áp lực trả nợ vay ngân hàng của các chủ đầu tư vào thời điểm cuối năm, nhưng ít nhất đến nay ngoài hai dự án trên chưa có dự án nào công bố bán tháo căn hộ.

 
Dự án chung cư Petro Vietnam Landmark tại Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: CTV

2. Ồ ạt khuyến mãi

Ngay từ đầu năm, chủ đầu tư các dự án đã tranh nhau khuyến mãi nền đất, căn hộ để thu hút sự chú ý của khách hàng. Chủ đầu tư dự án Happy Plaza (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tung ra chương trình chia sẻ lãi vay với khách hàng bằng cách hoàn phần lãi suất cho khách hàng trung bình 17%/năm đến khi giao nhà. Công ty Hoàn Cầu giảm 5% trên giá bán cho khách hàng mua căn hộ nghỉ dưỡng 5 sao Nha Trang Center và được tặng một năm phí quản lý căn hộ + thẻ ưu đãi sử dụng 2 đêm miễn phí phòng khách sạn. Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và xây dựng địa ốc Kim Oanh trao tặng sổ tiết kiệm trị giá 3-50 triệu đồng cho các khách hàng mua nền đất tại khu Mỹ Phước, TP Bình Dương…

Có thể nói chưa bao giờ thị trường địa ốc ồ ạt khuyến mãi như từ đầu năm đến nay.

3. Bán lại dự án

Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính của các chuyên gia từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm dự án thay đổi chủ đầu tư. Người mua chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài đang tranh thủ thời điểm doanh nghiệp VN khó khăn về vốn để gom hàng giá rẻ. Khác với trước đây, doanh nghiệp nước ngoài chỉ quan tâm đến các dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng, nay họ gom luôn cả dự án chung cư cao cấp, dự án nhà thu nhập trung bình. Trong khi đó một số doanh nghiệp VN có vốn mạnh cũng tranh thủ ra tay gom hàng, chờ thời cơ.

4. Vướng tiền sử dụng đất, đình trệ dự án

Nghị định 69 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất có hiệu lực từ 1-10-2009. Qui định này yêu cầu doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất theo sát giá thị trường khi chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất làm dự án. Nhưng hơn hai năm qua, tại TP.HCM vẫn chưa có doanh nghiệp nào đóng tiền sử dụng đất theo qui định mới này.

Theo các doanh nghiệp, lẽ ra nên đóng theo qui định trước đây, tức theo bảng giá đất qui định hàng năm vì thu theo giá trên là quá cao, chẳng khác nào doanh nghiệp phải mua đất thêm một lần nữa. Vì các doanh nghiệp chưa đóng tiền sử dụng đất nên chưa có dự án mới nào triển khai. Các dự án đang rao bán chủ yếu làm từ trước đó, nay mới ra hàng.

5. Tháo gỡ vốn vay

Gần đây cơ quan thẩm quyền đã có chủ trương tháo gỡ vốn vay đối với các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc có dự án hoàn thành và giao nhà chậm cho khách hàng nhất ngày 1/1/2012. Bên cạnh đó, người mua nhà thu nhập thấp, mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội cũng được xem xét cho vay để mua nhà. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc còn lại vẫn chưa được cởi trói.

Dù việc tháo gỡ trên được đánh giá chỉ mang tính hình thức nhiều hơn nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy sự quan tâm của cơ quan thẩm quyền đối với doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm khó khăn hiện nay.

6. Diện tích sàn xây dựng giảm


Theo báo cáo của cơ quan chức năng TP.HCM, lần đầu tiên trong nhiều năm qua diện tích sàn xây dựng tại các dự án nhà ở có chựng lại và giảm chút ít so với những năm trước

Theo báo cáo của cơ quan chức năng TP.HCM, lần đầu tiên trong nhiều năm qua diện tích sàn xây dựng tại các dự án nhà ở có chựng lại và giảm chút ít so với những năm trước. Nguyên nhân do thị trường địa ốc trầm lắng nên ít dự án mới triển khai.

7. Áp lực vốn vay ngân hàng

Dự án nền đất, căn hộ bán chậm trong khi thời hạn trả nợ vay ngân hàng đang đến gần. Hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đang gặp phải tình trạng này và nếu kéo dài, lãi vay sẽ ăn dần vào vốn, vào căn hộ. Không ít doanh nghiệp địa ốc kinh doanh trước đó kinh doanh khá hiệu quả nhưng năm nay đã bị lỗ và đang ôm nợ vay ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

8. Doanh nghiệp làm nhà giá thấp vẫn khỏe

Ngược lại với nhiều doanh nghiệp lớn đang khó khăn về vốn, một số doanh nghiệp kinh doanh nhà thu nhập thấp vẫn làm dự án đều đặn và tìm được khách hàng mua. Phần lớn khách hàng này có nhu cầu ở thật và mua bằng tiền tự có, không phải vay ngân hàng. Còn với các chủ đầu tư dự án này cũng có vốn khá mạnh và không phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Điển hình cho các trường hợp này là Công ty Lê Thành, Hai Thành…

9. Khởi động dự án tại các khu đất vàng

Sau nhiều năm đóng băng, các khu đất vàng tại trung tâm TP.HCM đang được khởi động trở lại trong lúc thị trường văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp còn đang khó khăn. Điển hình các dự án tại khu tứ giác Eden, khu tứ giác Bến Thành, dự án cao ốc 50 tầng góc đường Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Đây là tín hiệu đáng mừng và nhà đầu tư các dự án này đang muốn đón đầu, hi vọng thị trường địa ốc sẽ ấm lại trong thời gian tới.

10. Doanh nghiệp địa ốc đầu tư vào ngân hàng

Một tín hiệu vui đồng thời là sự kiện khá sốc với các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc: Công Ty TNHH MTV Xây Dựng Nhà và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận vừa rót 500 tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng Thương Mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank) bằng việc mua khoảng 50 triệu cổ phần từ ngân hàng này. Như vậy số vốn điều lệ ngân hàng này sẽ tăng từ 2.460 tỷ đồng lên 2.960 tỷ đồng.

Đáng nói, Nhà Phú Nhuận cũng là một trong những cổ đông lớn nhất nắm 2,38% cổ phần của Ngân hàng Đông Á.

Theo DiaOcOnline.vn
^ Quay lại đầu trang