HoREA kiến nghị gỡ nút thắt thu tiền sử dụng đất

Ngày 3.3.2014, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị gửi tới UBND TPHCM và Sở Xây dựng TPHCM đánh giá tình hình và kiến nghị 4 giải pháp hồi phục thị trường BĐS, trong đó đáng chú ý nhất là kiến nghị về thu tiền sử dụng đất (SDĐ).


Trong dự thảo Nghị định thu tiền SDĐ Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến có 3 phương án thu tiền SDĐ: Phương án 1, nộp theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm được phép chuyển mục đích SDĐ. Số tiền khấu trừ được xác định theo giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định theo mục đích sử dụng đất trước chuyển đổi mục đích.

Phương án 2, nộp theo bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Số tiền khấu trừ được xác định theo giá đất quy định tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định của loại đất trước khi chuyển mục đích nhân với hệ số K.

Phương án 3 là giao UBND cấp tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, dự án để xem xét, quyết định trường hợp được áp dụng hệ số K hoặc xác định giá đất cụ thể.

Bộ Tài chính nghiêng về phương án 3 vì thu tiền SDĐ là nguồn thu của địa phương. Nếu thực hiện theo phương án này, bộ sẽ có thông tư hướng dẫn nguyên tắc trường hợp nào phải xác định giá đất, trường hợp nào áp dụng hệ số K. Trong khi đó, theo HoREA nên chọn phương án 2, bởi đây là phương án có ưu điểm là tiết kiệm thời gian, minh bạch và khắc phục cơ chế “xin-cho”.

Về lâu dài, hiệp hội cũng đề nghị TPHCM kiên trì kiến nghị Chính phủ và Quốc hội thay đổi căn bản cách thu tiền SDĐ hiện nay. Cụ thể, về tài chính đất đai: Chính phủ sẽ không quy định khung giá đất. Bảng giá đất do UBND TP xây dựng theo giá thị trường trình HĐND TP thông qua ban hành.

Thời gian áp dụng bảng giá do Nhà nước ban hành ổn định trong 5 năm, hằng năm chỉ điều chỉnh cục bộ những khu vực có biến động lớn về giá. Đặc biệt, đối với các DN đã thỏa thuận bồi thường nhưng chưa đóng tiền SDĐ hoặc còn nợ tiền SDĐ, kiến nghị có hướng dẫn cụ thể việc khấu trừ các chi phí hợp lý của DN để tránh tình trạng phải nộp tiền SDĐ “gần như 2 lần”.

HoREA cũng đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền SDĐ” mà thay thế bằng sắc thuế với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin-cho.

Về thời hạn nộp tiền SDĐ, HoREA đề xuất hạn chế việc thu tiền SDĐ lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước. Việc thu tiền SDĐ một lần khi giao đất tạo áp lực vốn cho nhà đầu tư, hạn chế việc tăng cung BĐS cho thị trường, đồng thời tạo áp lực tăng giá BĐS. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho kéo dài thời hạn nộp tiền SDĐ.

Đồng thời, hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ xem xét đưa vào dự thảo nghị định cơ chế đặc biệt về thu tiền SDĐ. Cho phép các chủ đầu tư dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền SDĐ do khó khăn về tài chính được nộp tiền SDĐ theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng tối đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền SDĐ của cơ quan thuế.

Theo HoREA, nếu các DN được áp dụng cơ chế này thì sẽ góp phần làm giảm áp lực tài chính lên DN và tạo điều kiện giảm mặt bằng giá BĐS có lợi cho người tiêu dùng.

Đáng chú ý, HoREA cũng đề nghị có cơ chế miễn giảm tiền SDĐ đối với các dự án làm NOTM cho thuê giá bình dân trong suốt thời gian thực hiện dự án để khuyến khích phát triển loại hình nhà cho thuê. Riêng đối với TPHCM, đề xuất áp dụng miễn giảm tiền SDĐ đối với các dự án NOTM cho thuê với giá cho thuê khoảng từ 2 -3 triệu đồng/căn hộ/tháng.

Theo Lao động
^ Quay lại đầu trang