Chứng khoán thế giới nhảy vọt vì Mỹ thoát cảnh vỡ nợ

Sau tin hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện đạt thỏa thuận nâng trần nợ và mở cửa Chính phủ, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á đều phản ứng rất tích cực.

Hôm qua (16/10), Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch gia hạn trần nợ công đến ngày 7/2 và cấp vốn cho Chính phủ đến ngày 15/1 năm sau. Động thái này diễn ra chỉ một ngày trước hạn chót nâng trần nợ 17/10. Nếu kế hoạch trên cũng được Hạ viện thông qua, Mỹ sẽ thoát nguy cơ vỡ nợ và chấm dứt tình trạng Chính phủ đóng cửa suốt 17 ngày qua.


Thông tin tích cực trên đã khiến chứng khoán Mỹ nhảy vọt, theo Bloomberg. Chốt phiên giao dịch hôm qua, S&P 500 tăng 1,4%, Dow Jones tăng 1,36%, còn Nasdaq cũng lên 1,2%. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm thêm 0,06%.

chung-khoan-My-7187-1381977100.jpg

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh sau thỏa thuận của Thượng viện. Ảnh: Bloomberg


Chứng khoán châu Á sáng nay cũng mở cửa khởi sắc. Đến 8h sáng nay (giờ Hà Nội), chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,8%, Topix (Nhật Bản) tăng 1,1%. S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,3% và Kospi (Hàn Quốc) lên 0,4%. Chứng khoán Nhật Bản được hỗ trợ chủ yếu do USD mạnh lên so với yen, sau thông tin khả quan từ Washington, Market Watch cho biết.


Giá dầu thô WTI và dầu Brent giao tháng 11 cũng tăng gần 1% lúc 5h sáng nay (giờ Hà Nội). Dù vậy, thông tin trên lại không có nhiều tác động đến thị trường vàng. Chốt phiên 16/10, giá giao ngay sau khi rơi xuống thấp nhất trong ngày ở mức 1.270 USD đã phục hồi về cuối phiên và đóng cửa ở 1.283 USD, tăng gần 3 USD so với phiên trước.


Toby Lawson - Giám đốc bộ phận cổ phiếu, hợp đồng quyền chọn và tương lai tại Newedge cho biết: "Dù việc này chẳng thay đổi được gì cả, ít nhất hiện tại chúng ta cũng có thể thở phào rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ trong năm nay. Nhà đầu tư vì thế có thể tập trung phân tích các yếu tố kinh tế nền tảng. Như các tín hiệu từ châu Âu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của họ đã qua, hay dự đoán bi quan về Trung Quốc vẫn chưa thành hiện thực".


Tuy nhiên, rất nhiều người cũng lo ngại thỏa thuận này cũng chỉ kéo dài quá trình đau khổ của nước Mỹ mà thôi. Vì họ sẽ lại có một cuộc chiến khác vào tháng 1 năm sau. "Hy vọng trong ba tháng, các nhà làm luật sẽ nhận ra họ đã gây ảnh hưởng thế nào cho uy tín của nước Mỹ. Tôi cho rằng những kịch tính này sẽ còn tiếp tục", Benedict Willis - Giám đốc điều hành Alfred Fried & Company nhận định.

Theo VnExpress
^ Quay lại đầu trang