Những doanh nghiệp đầu tiên báo lãi nghìn tỷ

Hầu hết các đơn vị đạt lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm đều có vốn chủ sở hữu lớn, thuộc các lĩnh vực như sản xuất, khai thác tài nguyên và ngân hàng.

Trong số hàng trăm đơn vị đã báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, 5 doanh nghiệp niêm yết và 2 ngân hàng công bố lãi trên 1.000 tỷ đồng. Đây đều là những công ty có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng, theo khảo sát của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect. Dẫn đầu top này là Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã CK: GAS), lãi 7.040 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này mới tính trên công ty mẹ, hiện Tổng công ty Khí Việt Nam vẫn chưa có báo cáo hợp nhất.


san-xuat-3-Hai-Long-1376102996_500x0.jpg

Nhiều công ty niêm yết vượt lãi 1.000 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng. Ảnh: Hải Long


Chia sẻ với VnExpress.net, ông Đỗ Khang Ninh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm  Tổng giám đốc Khí Việt Nam, cho hay lợi nhuận sau thuế khởi sắc là nhờ giá khí tăng, đồng thời sản lượng cũng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Tổng công ty còn thực hiện chủ trương tiết kiệm chi phí nên phần nào giúp lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn, ông Ninh cho biết.


“Sau 6 tháng, công ty gần cán đích kế hoạch năm. Tổng công ty sẽ cân nhắc kỹ việc có điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận hay không”, ông Ninh nói.


Đứng thứ hai trong danh sách là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM), khi báo lãi 3.373 tỷ đồng, tăng 20% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, doanh thu công ty đạt trên 15.000 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính cũng đóng góp thêm hơn 230 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Hiện Vinamilk không có khoản vay ngân hàng. Nợ phải trả của công ty đạt hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 23% vốn chủ sở hữu, chủ yếu là các khoản phải trả người bán.


Cũng thuộc top 5 công ty niêm yết có lợi nhuận trên nghìn tỷ, nhưng Tổng công ty phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ, Mã CK: DPM) lại giảm lãi sau thuế hơn 17%, xuống còn 1.626 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là sản lượng bán ra giảm 10%, chưa kể lãi suất ngân hàng biến động khiến công ty hao hụt phần doanh thu tài chính.


Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (Mã CK: PPC) tăng trưởng đột biến, lãi sau thuế 1.302 tỷ đồng, cao gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải thích từ phía doanh nghiệp, lợi nhuận tăng cao do sản lượng điện bán cho EVN quý II nhiều hơn 0,27 tỷ Kwh so với cùng kỳ. Ngoài ra, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ còn giúp Nhiệt điện Phả Lại tăng thêm doanh thu.


Trong quý III, Nhiệt điện Phả Lại dự kiến sản lượng thấp hơn quý trước do thời tiết vào mùa mưa và doanh nghiệp ngừng một số tổ máy để sửa chữa khiến doanh thu có thể bị ảnh hưởng.


Những công ty lãi trên 1.000 tỷ đồng


Tên doanh nghiệp Lãi sau thuế Vốn chủ sở hữu Ghi chú
Tổng công ty Khí Việt Nam 7.040 31.880 Công ty mẹ 6 tháng
Công ty Sữa Việt Nam 3.373 17.031 Hợp nhất 6 tháng
Đạm Phú Mỹ 1.626 8.959 Hợp nhất 6 tháng
Nhiệt điện Phả Lại 1.302 5.115 Hợp nhất 6 tháng
Tập đoàn Hòa Phát 1.012 9.028 Hợp nhất 6 tháng
Ngân hàng Ngoại thương
Việt Nam
1.117 42.482 Hợp nhất quý I
Ngân hàng Công thương
Việt  Nam
1.042 34.647 Hợp nhất quý I

Với khối ngân hàng, nhiều đơn vị vẫn chưa công bố báo cáo quý II và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tính riêng quý I, hai ngân hàng là Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, Mã CK: VCB) và Công thương Việt Nam (Vietinbank, Mã CK: CTG) đã đạt lợi nhuận trên nghìn tỷ. Trong đó, Vietcombank đạt 1.117 tỷ đồng còn Vietinbank là 1.042 tỷ đồng.


Còn lại một số nhà băng khác như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK: STB), Ngân hàng Quân Đội (MBBank, Mã CK: MBB) cũng đã lãi trên 600 tỷ đồng trong quý I, ứng với khoảng 50% mức lãi của nửa đầu năm ngoái. Ngân hàng Á Châu (Mã CK: ACB), chia sẻ với VnExpress.net, ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc nhà băng khẳng định, lãi trước thuế của ACB đã vượt 900 tỷ đồng sau 6 tháng, tuy nhiên nhà băng cũng chưa có báo cáo quý II.


Ông Trương Duy Khiêm - Giám đốc chi nhánh Ngô Lê Cát của Công ty chứng khoán ACB nhìn nhận những doanh nghiệp trên lãi hơn 1.000 tỷ là điều dễ hiểu do có quy mô vốn lớn, là những doanh nghiệp trọng điểm, hoạt động trong các ngành chính nên lãi cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Mặt khác, các đơn vị này còn có thuận lợi về chính sách, lợi thế bán hàng nhờ thị trường nội địa.

Theo ông Khiêm, kết quả lãi nghìn tỷ của những doanh nghiệp vẫn là số ít, chưa đủ để khẳng định nền kinh tế đã khởi sắc hay chưa. “Trước đây hàng trăm doanh nghiệp trên sàn kinh doanh có lời, nhưng nay đa phần sụt giảm. Trong khi đó, những công ty top đầu lãi nghìn tỷ nếu giảm lợi nhuận thì thường không rơi vào trạng thái đảo ngược nhanh chóng theo kiểu đang lãi bị chuyển ngay sang lỗ”, ông Khiêm phân tích.

Đánh giá về yếu tố giúp doanh nghiệp vượt lãi 1.000 tỷ đồng, ông Khiêm cho rằng, đối với công ty thu lời nhờ chênh lệch tỷ giá, “thực tế chỉ là do được hoàn nhập dự phòng nên lợi nhuận có thể chỉ mang tính ngắn hạn và thiếu bền vững”.

Còn đối với doanh nghiệp có lãi khai thác tài nguyên, “họ một mình chiếm lĩnh thị trường nên việc lãi lớn nhờ giá và sản lượng tăng cũng là dễ hiểu”, ông nói. Riêng lĩnh vực ngân hàng, ông Khiêm khẳng định khó có thể lỗ, “nhưng lợi nhuận  cũng có thể giảm”.

Theo VnExpress
^ Quay lại đầu trang