Thị trường xi măng bắt đầu hồi phục

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp xi măng của nước ta đã có sự phát triển vượt bậc. Từ một nước còn thiếu xi măng, hiện nay, sản xuất xi măng đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Có được kết quả đó phải kể đến vai trò của công tác lập và quản lý quy hoạch (QH) phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay.


                                                                         Ảnh minh họa

Coi trọng công tác quản lý quy hoạch xi măng


Theo ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), QH phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2020 đặt ra mục tiêu là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước (cả về số lượng và chủng loại), đưa ngành xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh, có công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến QH phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là đầu tư công nghiệp Xi măng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sử dụng tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Trên cơ sở dự báo nhu cầu đầu tư vốn của toàn xã hội, tốc độ tăng trưởng trong tiêu thụ vật liệu xây dựng và dự báo nhu cầu xi măng theo bình quân đầu người, các QH sẽ dự báo nhu cầu xi măng cả toàn xã hội.


Từ các QH trên, công tác quản lý thực hiện QH đã được Bộ Xây dựng hết sức coi trọng. Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Xây dựng, ngày 16/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch 108). Đây là cơ sở để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại của thế giới. Tính đến năm 2011, cả nước có 59 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế là 62,56 triệu tấn, năng lực sản xuất xi măng trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Chất lượng xi măng ổn định, đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đ/tháng. Các nhà máy xi măng đã góp phần làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế và làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như xi măng Tam Điệp, Bình Phước, Hà Tiên 1, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai...


Tiếp đó, ngày 29/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch 1488) thay thế cho Quy hoạch 108.



Xếp hàng đợi lấy xi măng


Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, từ năm 2011 đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tình hình tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra các biện pháp kích cầu thông qua việc đầu tư vào các công trình hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, đê, đập, các nhà máy điện. Đáng chú ý là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Chương trình hành động về tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Các biện pháp kích cầu đã có tác dụng, tuy thị trường bất động sản vẫn trầm lắng nhưng lượng xi măng vẫn được tiêu thụ khá tốt.


Sản lượng xi măng tiêu thụ 5 tháng năm 2013 ước đạt 23,08 triệu tấn đạt 41,21% kế hoạch năm. Tiêu thụ tháng 5/2013 ước bằng 119% cùng kỳ năm 2012. Trong đó tiêu thụ nội địa 5 tháng năm 2013 khoảng 19,15 triệu tấn bằng 109% (19,15/17,46) so với cùng kỳ năm 2012. Theo ông Lê Văn Tới, hiện đã có hiện tượng nhiều xe ô tô, xà lan chờ lấy xi măng ở một số nhà máy xi măng (Hiện tượng này không thấy trong năm 2012). Bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm xi măng thay vì mỗi năm phải nhập 3 - 4 triệu tấn. Việc xuất khẩu sản phẩm xi măng cũng đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực về nguồn cung từ năm 2011, giảm nhập siêu và giúp các doanh nghiệp duy trì được công suất, đảm bảo việc làm công nhân, tăng thêm khấu hao tạo nguồn trả nợ ngân hàng.

Theo baoxaydung.com.vn

^ Quay lại đầu trang