Trang chủ » Dự án BĐS » Cộng đồng kinh tế ASEAN - Tín hiệu tích cực đến thị trường bất động sản

(Xây dựng) - Việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN như một thị trường kinh tế duy nhất vào cuối năm 2015 sẽ có lợi cho ngành công nghiệp của các nước thành viên, đồng thời là tín hiệu tích cực đối với thị trường văn phòng địa phương và thị trường bất động sản bán lẻ.


Theo báo cáo mới của CBRE, Cộng đồng kinh tế ASEAN được dự đoán sẽ làm tăng cầu và cung đối với thị trường không gian công nghiệp và văn phòng ở hầu hết các thị trường ASEAN trong ngắn và trung hạn, tác động đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty đa quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, thị trường logistic được dự báo sẽ tăng trưởng và phát triển dưới kế hoạch chi tiết của AEC về việc xây dựng cơ sở hạ tầng và việc loại bỏ dần các hàng rào phi thuế quan giữa các nước thành viên.

Sự phát triển của thị trường công nghiệp sẽ lần lượt thúc đẩy sự tăng trưởng về nhu cầu văn phòng do nhiều công ty đa quốc gia tham gia vào thị trường và các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng hoạt động. Đặc biệt, các ngành dịch vụ tài chính và pháp lý tại các thị trường mới nổi có thể phát triển thị trường vốn tự do trong khu vực. Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài cũng đang dự định liên doanh vào thị trường ASEAN. Du lịch là một điểm sáng đối với các nước thành viên ASEAN, các kế hoạch chi tiết của AEC tập trung vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng, vận tải và hợp tác khu vực để thu hút khách du lịch.

Trưởng ban nghiên cứu của CBRE tại thị trường Đông Nam Á, Desmond Sim cho biết: “Trong khi còn tồn tại những rào cản và những hạn chế mà ASEAN cần phải vượt qua, khu vực này vẫn được dự đoán sẽ duy trì được sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và bất động sản thương mại với việc thực hiện AEC nhằm tăng cường sự phát triển của ASEAN”.

Một yếu tố hạn chế là sự thiếu chính sách đầu tư bất động sản để thúc đẩy tự do hóa các chính sách đầu tư và dòng chảy tự do của vốn. Thông thường, các nhà đầu tư bất động sản bị hạn chế về quyền sở hữu đất của người nước ngoài. Môi trường ủng hộ đầu tư sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và cải thiện quá trình phát triển chung trong ASEAN. Như vậy, việc xem xét lại các chính sách sở hữu đất đai các nước có thể cần thiết để cho phép nhiều nước tham gia phát triển thị trường này.

Các nhà quan sát thị trường vẫn lạc quan về dòng vốn đầu tư bất động sản. Bất động sản trong khu vực ASEAN ghi nhận tổng dòng vốn đầu tư giữa năm 2005 tới 2014 là 28.190 tỷ $. Trong 5 năm từ 2010-2014, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại thị trường ASEAN, chiếm 29% tổng khối lượng đầu tư, tương đương với 4,423 tỷ $. Singapore xếp vị trí thứ hai, với tổng vốn là 4,268 tỷ $, chiếm tới 28% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này. Cùng với sự gia tăng của các khoản đầu tư qua biên giới vào thị trường ASEAN, có sự thay đổi nổi bật về phân phối vốn toàn cầu trên tất cả các nước trong khu vực ASEAN trong những năm gần đây.

“Cộng đồng kinh tế ASEAN đóng vai trò quan trọng đối với tự do hóa thị trường đầu tư trong ASEAN, mở đường cho đầu tư nước ngoài trong phạm vi các quốc gia thành viên. Sự phát triển đa dạng của thị trường bất động sản ASEAN cung cấp cho các nhà đầu tư môi trường đầu tư chiến lược. Những thị trường phát triển như Singapore, Malaysia cung cấp cho các nhà đầu tư những “giá trị gia tăng” trong khi đó các thị trường mới nổi như Việt Nam, Phillippines cung cấp những cơ hội mới. Các khoản đầu tư vào thị trường bất động sản ASEAN dự kiến sẽ tăng khi nhà đầu tư tìm kiếm thị trường thay thế cho danh mục đầu tư bất động sản của họ”, ông Sim cho biết thêm.

Theo World Property Journal

Danh mục sản phẩm
Thống kê truy cập
Số người xem 4
Lượt truy cập 6389479